Premier League và khúc rẽ hướng về vùng Đông Midlands

Bóng đá Anh đã quá quen với chuyện chức vô địch giải Ngoại hạng là sự thay đổi giữa những tên tuổi lớn ở vùng Tây Bắc và Thủ đô London.

Suốt từ mùa giải 1992/93 đến nay, 23 chức vô địch được trao nhưng phần còn lại của nước Anh chưa lần nào được hưởng niềm vui chiến thắng. Trong quá khứ, cũng đã có những đội ở nhiều khu vực vươn lên vị trí số 1 nhưng kỷ nguyên ngoai hang anh thì chưa. Điều đó có thể sẽ thay đổi ở mùa giải này, với khúc rẽ hướng về vùng Đông Midlands…

29 vòng đấu đi qua, khi tất cả những trông đợi vào việc Leicester City “hụt hơi” đã trôi qua trong vô vọng thì giờ đây, hầu như mọi sự nhìn nhận hướng vào họ như một ứng viên nặng ký thực sự cho chức vô địch Premier League mùa giải này. Nói hầu hết là bởi sẽ vẫn còn có những hy vọng níu kéo về những cú vấp ngã của “Những chú cáo” ở 9 trận đấu cuối cùng.

Cũng không cần phải tưởng tượng nhiều, cứ suy ra việc thầy trò HLV Claudio Ranieri mới chỉ nhận thất bại 3 lần sau 29 trận đấu thì ở 9 vòng còn lại, họ “được quyền” thất bại 1 trận. Nhấn mạnh điều đó để thấy rằng, Leicester đang có lợi thế rất lớn để từ việc chỉ là một “hiện tượng” họ biến thành nhà vô địch xứ sở sương mù.

Lợi thế đó sẽ càng lớn hơn vào cuối tuần qua, khi 2 đối thủ bám theo ngay phía sau họ là Tottenham và Arsenal đụng độ ở White Hart Lane đi đến kết quả hòa 2-2. Kết quả có lợi cho “Gã thợ hàn” Claudio Raineri và các học trò, bởi họ đã hơn Tottenham 5 điểm sau khi thắng trên sân Watford.

Mùa giải này, khi chứng kiến sự đi xuống của Chelsea, Man United, Man City, trong khi Liverpool vẫn chưa vươn mình trở lại thực sự thì theo thói quen, Arsenal được cho là có cơ hội không thể tốt hơn để lần đầu tiên trở lại vị trí số 1 bóng đá Anh kể từ năm 2004. Tuy vậy, cũng lại là những thói quen khó bỏ của “Pháo thủ không muốn lớn”, tự tay thầy trò HLV Arsene Wenger lại ném đi những cơ hội tốt nhất. Vẫn lại là dấu hỏi về sự trưởng thành và bản lĩnh, dù đã không biết bao nhiêu năm rút ra bài học.

Tottenham, nếu xét trên khía cạnh đẳng cấp và trình độ, đã tận dụng tốt “phong trào” sa sút của các đại gia để vươn lên vị trí thứ 2 hiện tại. Lúc này, sẽ không quá nếu nói Tottenham là đối thủ lớn nhất của Leicester trong việc giữ chiếc Cúp vô địch đi theo đúng quỹ đạo.

Man City đang trong Top 4 và về lý thuyết, họ vẫn còn cơ hội. Tuy nhiên, như một thống kê mang tính rào cản, một nhà vô địch giải Ngoại hạng thường thua không quá 6 trận trong mùa giải, đồng nghĩa với việc Man City – và cả Arsenal, đã “out”, với số trận thất bại lần lượt là 8 và 7.

Việc Tottenham mới thua 4 trận là một lý do khác để họ cạnh tranh thực sự, bên cạnh những nhìn nhận về “sự cân bằng bậc nhất” của thầy trò HLV Maurico Pochettino. Số bàn thắng của Gà trống (51) chỉ kém Leicester 1 bàn, nhưng khả năng phòng ngự của họ là tốt nhất giải Ngoại hạng (24 bàn thua so với 31 của Leicester).

Yếu điểm của Tottenham – lại chính là lợi thế của Leicester, nằm ở lịch thi đấu. Trong khi những khó khăn thực sự chỉ tới với Leicester chỉ đến ở 3 vòng đấu cuối – gặp Man United, Everton và Chelsea, thì ngược lại, sau trận gặp Arsenal, Tottenham còn phải gặp liên tiếp Liverpool, Man United vào đầu tháng 4, gặp Chelsea đầu tháng 5. Nếu Tottenham tiếp tục tiến sâu ở Europa League thì lịch thi đấu của họ còn căng thẳng hơn nhiều so với Leicester chỉ còn tập trung tại Premier League.

Ngoài ra, với Arsenal và Man City, họ cũng phải đối mặt với nhau ở vòng áp chót. The Gunners còn có những chuyến làm khách khó khăn, còn The Citizens còn trận derby và gặp cả Chelsea trên hành trình còn lại.

Đến thời điểm này, ngay cả John Terry của Chelsea cũng đã dành sự cổ vũ cho chức vô địch thuộc về Leicester, có thể chỉ vì anh không muốn thấy các đại gia khác đăng quang nhưng cũng đủ để thấy cơ hội của Ranieri và các học trò là thế nào.

Nếu duy trì được sự tập trung trên đoạn đường còn lại thì chính họ sẽ viết nên lịch sử, tạo ra khúc rẽ về phía Đông Midlands chứ không cần phải xin ai khác, cho dù UEFA không thích điều này!

tennis
Xem thêm kết quả bóng đá seagame chính xác